Người dân vội vã giao hàng tại chợ Phùng Hưng dưới góc nhìn của chàng trai Đồng Nai - Ảnh: NVCC
Trần Quốc Sự (sinh năm 1995, tác giả bộ ảnh này) cho Tuổi Trẻ Online biết, công việc chính của anh là nhân viên văn phòng ở công ty tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai. Cứ mỗi cuối tuần, anh lại chạy xe lên TP.HCM để săn ảnh cuộc sống mưu sinh ở đây.
Bộ ảnh "cơm áo gạo tiền" được anh chụp ngay ở khu chung cư ở chợ Phùng Hưng (quận 5) vì nơi đây người dân qua lại nhộp nhịp nhất vào buổi sáng. Buổi chụp chỉ khoảng 2 tiếng.
"Tôi muốn ghi lại cuộc sống mưu sinh của người dân tại TP.HCM với góc nhìn trên cao, vì tôi chưa thử trước đó. Đa số nhân vật trong ảnh đều là người dân lao động chân tay nghèo khó. Mỗi khi cầm máy, tôi lại nhớ đến hình ảnh bố mẹ mình ở dưới quê, thấy đồng cảm nên chụp", Sự nói.
Khi chụp xong, Sự bỗng bật ra trong đầu ý tưởng cơm áo gạo tiền tại thành một vòng xoáy nên chọn những bức ảnh tương đồng để làm hậu kỳ. Khâu lên ý tưởng sắp xếp, chỉnh sửa ảnh cũng là khâu khó nhất.
Ban đầu, bộ ảnh có một gam màu khác tươi tắn. Tuy nhiên, khi chỉnh xong, nhìn qua nhìn lại, Sự cảm thấy không hợp với bối cảnh lắm. Vì thế, anh quyết định chỉnh lại thành một gam màu cũ kỹ, hợp với bức ảnh hơn.
Người dân vội vã giao hàng tại chợ Phùng Hưng dưới góc nhìn của chàng trai Đồng Nai - Ảnh: TRẦN QUỐC SỰ
Tác giả bộ ảnh cho biết, trước đó anh từng thử nhiều góc chụp khác nhau từ chụp chính diện, xoá phông, cận cảnh… Mỗi loại đều cho một góc nhìn khác nhau.
Anh không nghĩ rằng, bộ ảnh chụp từ trên cao này lại được yêu thích đến vậy. Khi được ra mắt, bộ ảnh này nhanh chóng được dân mạng chia sẻ mạnh tay từ Facebook đến TikTok. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm trước vòng xoáy cơm áo gạo tiền, bày tỏ nỗi niềm rưng rưng khi xem ảnh.
Những chiếc xe hàng rong chở đầy tuổi thơ vào sáng cuối tuần - Ảnh: TRẦN QUỐC SỰ
Một trong những chiếc xích lô đầy hoài niệm của người dân thành phố - Ảnh: TRẦN QUỐC SỰ
Theo chàng trai trẻ, bí quyết săn bộ ảnh từ trên cao cũng khá đơn giản. Đó là cầm chắc máy, canh trước bố cục và hướng đi của các nhân vật trong ảnh. Anh ít khi gặp lỗi khi chụp bộ ảnh này do ý tưởng liên tiếp nảy ra trong đầu khiến anh nóng lòng phải thực hiện.
TP.HCM luôn là nguồn cảm hứng vô tậnTP.HCM có rất nhiều góc chụp khiến những người mê chụp ảnh như Sự thích thú tìm kiếm cảm hứng. Từ cảnh xa hoa đến nghèo khó, hình ảnh nào cũng mang màu sắc rất riêng khiến anh yêu thành phố này tha thiết.
"Điều đó làm tôi luôn có thói quen ngày cuối tuần phải dậy sớm đi chợ ở TP.HCM. Tôi thường ngồi uống một cốc cà phê, xem hoạt động của mọi người và biết đâu vô tình ghi lại khoảnh khắc đẹp. Thói quen ấy khiến tôi thấy vui và hạnh phúc nên được bạn bè cũng như gia đình rất ủng hộ", anh nói.
Chiếc nón lá của một tiểu thương vô tình hợp với chữ ‘Chợ’ - Ảnh: TRẦN QUỐC SỰ
Anh thường lựa chọn chợ Phùng Hưng (quận 5) là nơi săn ảnh. Theo Sự, khu chung cư này tại chợ này có rất nhiều đến đây chụp. Người dân cũng quen với tình huống này.
Khi chụp tại nhà dân, anh cũng lưu ý mọi người cần giữ trật tự giúp chủ nhà. Ngoài ra, trước khi chụp, anh cũng xin phép họ.
Một cuộc giao dịch tiền lẻ được nhiếp ảnh gia bất ngờ ghi lại - Ảnh: TRẦN QUỐC SỰ
"Điều làm tôi ấn tượng ở đây là đồ ăn rất ngon. Tôi mê nhất quán cà phê của chú Ba Lù. Mỗi lần tới là phải uống cà phê của chú. Thường tôi săn được hoàng hôn xong mới lên xe về lại Đồng Nai để chuẩn bị cho sáng hôm sau đi làm", anh kể tiếp.
Cuộc sống đời thường tại TP.HCM hiện ra trong ô kính - Ảnh: TRẦN QUỐC SỰ
Qua bộ ảnh này, Sự mong muốn gửi gắm đến mọi người thông điệp cái đẹp luôn ở quanh chúng ta. Đôi khi những điều bình dị thường xuyên xảy ra hằng ngày là những điều đẹp nhất. Bên cạnh đó, hãy luôn tôn trọng những người lao động trên đường phố. Nghề nào cũng cao quý và hình ảnh họ đang mưu sinh lúc nào cũng rất đẹp.
Hỏi về dự định sắp tới, Sự cho biết sẽ chụp một bộ ảnh tại quê hương mình. Nhiều người thắc mắc anh chụp nhiều ở TP.HCM vậy đã có bộ ảnh nào chụp tại Đồng Nai chưa. Anh sẽ lựa chọn hồ Trị An tại quê làm nơi chụp ảnh. Dưới góc nhìn của anh, hồ này có nhiều màu sắc tươi trẻ, mới lạ - Ảnh: TRẦN QUỐC SỰ